Một số phương pháp kiểm tra và khắc phục những vi phạm, thiếu sót công tác PCCC tại các nhà cao tầng.


Bạn đang lo lắng về nhà cao tầng có nguy cơ cháy nổ cao? Qua các vụ hỏa hoạn nhà cao tầng trên cả nước xảy ra trong thời gian vừa qua, việc triển khai cứu chữa và cứu người gặp nhiều khó khăn nên thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để làm rõ vấn đề này chúng ta cần tìm hiểu thực trạng và đưa ra một số giải pháp khắc phục đối với các vi phạm, thiếu sót thường gặp về PCCC tại các nhà cao tầng.



1. Dập hỏa hoạn.


Diện tích sàn, tầng hầm, chiều dài hành lang vượt quá tiêu chuẩn nhưng không có giải pháp ngăn cháy bổ sung hoặc có nhưng không đảm bảo. Nhiều nhà cao tầng không có giải pháp ngăn cháy lan theo chiều đứng công trình (không bịt kín lỗ thông tầng ở các giếng kỹ thuật; cửa các giếng kỹ thuật, ống và cửa đổ rác không phải là loại chống cháy...). 




Các khu vực, phòng có tính chất hoạt động khác nhau nhưng không có giải pháp ngăn cháy, phổ biến là không có cửa ngăn cháy, tường ngăn cháy ở các khu vực quan trọng như trạm bơm, phòng kỹ thuật điện, phòng máy biến áp, kho ở tầng hầm; bố trí bộ phận sản xuất, kho nguy hiểm cháy trong tầng hầm nhưng không có biện pháp ngăn cháy theo quy định.


1.1 Phương pháp kiểm tra.


Tổ chức kiểm các nội dung theo quy định tại mục 4 Quy chuẩn Việt Nam 06:2010/BXD và các tiêu chuẩn PCCC liên quan, cụ thể:

  • Kiểm tra diện tích sàn, diện tích khoang cháy giữa các tư­ờng ngăn cháy;
  • Kiểm tra các bộ phận chống cháy lan theo chiều ngang ở các tầng như vách ngăn cháy, cửa ngăn cháy, các cửa ngăn cháy;
  • Kiểm tra việc tự đóng kín của các cửa ngăn cháy, kiểm tra việc ngăn cháy giữa các phòng, buồng, khu vực với nhau bằng tường, vách ngăn cháy;
  •  Kiểm tra việc cách ly các phòng được bố trí tại tầng hầm như ga ra ôtô, xe máy, các phòng kho, phòng kỹ thuật điện, máy… bằng tường ngăn cháy, cửa ngăn cháy.
  • Kiểm tra các điều kiện chống cháy lan theo chiều đứng qua các lỗ thông tầng, qua các buồng thang hở, kênh, giếng kỹ thuật, ống thải rác, ống thông gió có; kiểm tra vật liệu  làm các đường ống, kênh, giếng kỹ thuật; kiểm tra việc bố trí van chặn lửa trong đ­ường ống tại các vị trí xuyên qua tường ngăn cháy, sàn ngăn cháy.


1.2 Cách khắc phục.


Lắp đặt thêm các thiết bị bộ phận, thiết bị ngăn cháy như cửa ngăn cháy ở hành lang, buồng thang, ở các phòng kỹ thuật điện, máy; sàn ngăn cháy ở các kênh, giếng kỹ thuật; van ngăn cháy trong đường ống thông gió; Hệ thống chữa cháy tự động sprinkler hoặc màn nước ngăn cháy ở các khu vực có diện tích lớn vượt quá quy định tiêu chuẩn, có nhiều chất cháy.


2. Về  đường thoát nạn.


Để xe gắn máy, vật dụng cản trở lối thoát nạn; khóa, hàn cửa thoát nạn hay lắp đặt thiết bị chống trộm hạn chế khả năng mở cửa không đảm bảo các điều kiện an toàn trên lối thoát nạn. Ở nhiều nhà cao tầng có cầu thang bộ thoát nạn chưa đảm bảo an toàn theo quy định, cụ thể như buồng thang để hở, không có hệ thống cửa chống cháy cách ly phần buồng thang với khu căn hộ, phòng làm việc; không có hệ thống thông gió, hút khói, tăng áp (lỗi trong quá trình thiết kế). 




Một số cơ sở đã có buồng thang kín nhưng do nhu cầu trong sinh hoạt nên người dân dùng vật dụng chèn, mở cửa thường xuyên làm mất tác dụng cầu thang kín. Nhiều nơi còn có tình trạng biến gầm cầu thang, cầu thang cầu thang thoát nạn làm nơi để đồ đạc.

Không trang bị đầy đủ các thiết bị chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn trên lối thoát nạn hoặc trang bị thiếu, đã trang bị nhưng bị hư hỏng nhưng không sửa chữa, thay thế kịp thời hoặc đặt ở vị trí chưa hợp lý.


2.1 Phương pháp kiểm tra phát hiện

  • Kiểm tra lối thoát chính, lối thoát dự phòng về số lối thoát nạn (tối thiểu 2 lối), các điều kiện đảm bảo cho lối thoát nạn (chiều rộng của lối thoát so với số người có mặt lớn nhất ở mỗi tầng, chiều dài lối thoát từ điểm xa nhất đến lối thoát gần nhất, chiều mở của cửa thoát nạn, sơ đồ và đèn chỉ dẫn lối thoát nạn, trang thiết bị chiếu sáng sự cố, biển báo, biển chỉ dẫn trên lối thoát nạn, lối thoát từ tầng hầm (nếu có), kiểm tra lối thoát lên mái từ buồng thang, kiểm tra việc trang bị các phư­ơng tiện hỗ trợ cứu người như­ mặt nạ phòng độc, thang dây, ống tụt ...) theo các quy định tại Điều 3.2, Điều 3.3, phụ lục G Quy chuẩn Việt Nam 06:2010/BXD.
  • Kiểm tra các điều kiện chống tụ khói, thông gió điều áp buồng thang của cầu thang bộ và buồng thang bộ trên đường thoát nạn theo quy định.

2.2 Biện pháp khắc phục:

  • Khi thiết kế thi công phải có đủ số lối thoát nạn theo quy định, tối thiểu phải có 2 lối thoát từ mỗi tầng và đảm bảo yêu cầu thoát nạn nhanh chóng và an toàn khi xảy ra cháy; các trường hợp có 1 lối thoát phải theo đúng quy định của tiêu chuẩn.
  • Lối thoát nạn phải đủ kích thước theo số người ở tầng đông nhất, các buồng thang bộ phải đảm bảo không bị ảnh hưởng của lửa, khói, nhiệt độ cao do đám cháy gây ra, được thông gió, chiếu sáng và có ký hiệu chỉ dẫn; không để các đồ vật cản trở lối thoát, không tự ý làm rào chắn, cửa ngăn, khoá cửa trên lối thoát nạn; cơ sở có người tàn tật, người không tự thoát nạn được phải có phòng lánh nạn tạm thời để chờ lực lượng ứng cứu. Phòng này phải đảm bảo ngăn cháy, chống khói, được thông gió và chiếu sáng sự cố.


3. Về trang bị phương tiện PCCC, các điều kiện chữa cháy và cứu nạn.


Nhiều cơ sở nhà cao tầng trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ theo quy định, không bảo quản hoặc không sử dụng hiệu quả các phương tiện PCCC đã được trang bị. Tại các nhà cao tầng tình trạng các hệ thống PCCC sau một thời gian đưa vào sử dụng đã không hoạt động được như thiết kế ban đầu như: hệ thống chữa cháy tự động bằng nước và bằng khí do bị rò rỉ trên đường ống nên không duy trì được áp lực thường xuyên hoặc cơ cấu tác động bị hư hỏng…; hệ thống báo cháy tự động thường xuyên báo lỗi do đầu báo cháy bị bụi bẩn hoặc hư hỏng, nguồn điện dự phòng bằng ắc quy bị mất cắp hoặc mất tác dụng…



Hệ thống họng nước chữa cháy vách tường thường gặp các tình trạng như gioăng cao su của đầu nối mất tác dụng hoặc bị mất, van khóa bị kẹt không mở được, vòi chữa cháy bị mục không đảm bảo cho việc chữa cháy; bình chữa cháy xách tay bị han rỉ, vòi phun bị hư hỏng hoặc hết khí; Đường giao thông phục vụ công tác chữa cháy không đảm bảo hoặc bị lấn chiếm.

3.1 Phương pháp kiểm tra phát hiện:

  • Kiểm tra, rà soát về chủng loại, số lượng của trang bị chữa cháy cần thiết phải trang bị cho cơ sở theo quy định của tiêu chuẩn Việt Nam 3890:2009 quy định về trang bị và những yêu cầu đối với việc bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình.
  •  Kiểm tra bể dự trữ cho hệ thống cấp n­ước, hoạt động của các bơm chữa cháy chính và bơm dự phòng (áp lực bơm tại điểm cao nhất của ngôi nhà với lư­u lượng chữa cháy lớn nhất theo quy định), thời gian khởi động của máy bơm (không chậm quá 3 phút kể từ khi có tín hiệu báo cháy), chế độ khởi động tự động (nếu có) hoặc bằng tay của bơm, vị trí đặt các họng nư­ớc vách tư­ờng, chất lượng, độ kín của van, vòi, lăng phun, đầu nối theo quy định tại Điều 10 TCVN 2622:1995;  kiểm tra việc cuộn vòi chữa cháy của các cơ sở.
  • Kiểm tra chế độ hoạt động của các cụm van điều khiển, van tín hiệu, các tín hiệu báo bằng âm thanh và ánh sáng (trong trường hợp có lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động); khoảng cách các đầu phun theo quy định, chế độ kiểm tra bảo dưỡng định kỳ phương tiện phòng cháy chữa cháy của cơ sở.


3.2 Biện pháp khắc phục

  • Các hệ thống, trang thiết bị PCCC phải đảm bảo đầy đủ theo quy định của tiêu chuẩn, trong đó hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động; các họng nước và bình chữa cháy, hệ thống thông gió hút khói, chiếu sáng sự cố  và chỉ dẫn thoát nạn là quan trọng đối với các nhà cao hơn 10 tầng. Các nhà nhiều tầng chưa có hoặc lắp đặt chưa đầy đủ các hệ thống trên phải lắp đặt bổ sung đủ theo yêu cầu của tiêu chuẩn. Có chế độ bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ, thường xuyên để đảm bảo cho các hệ thống này sẵn sàng hoạt động khi cháy xảy ra với chất lượng và hiệu quả cao nhất.
  • Đảm bảo các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháytheo quy định tại mục 5 Quy chuẩn Việt Nam 06:2010/BXD . Kiến nghị với chính quyền sở tại để giải quyết kịp thời các trường hợp không có đường cho xe chữa cháy hoặc đường cho xe chữa cháy bị lấn chiếm, không đảm bảo chiều rộng, chiều cao cho xe chữa cháy hoạt động, đặc biệt là xe thang, kết cấu mặt đường, bãi phải chịu được tải trọng của xe. Các trường hợp thiếu nguồn nước hoặc nguồn nước không đủ phải kiến nghị cơ sở hoặc chính quyền địa phương có biện pháp xây dựng bổ sung.
  • Những nhà nhiều tầng không có điều kiện cứu hộ, cứu nạn bằng xe thang phải có giải pháp tăng cường, bổ sung các trang bị cứu hộ cứu nạn khác như thang sắt ngoài nhà, thang dây, ống tụt, dây cứu người, đệm hơi.v.v.


4. Những thiếu sót, vi phạm về phương án chữa cháy, tổ chức lực lượng PCCC cơ sở.


Không xây dựng phương án hoặc xây dựng nhưng nội dung không đảm bảo, không trình duyệt, không tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo quy định. Không thành lập hoặc thành lập đội PCCC cơ sở không đủ số người theo quy định, không tổ chức huấn luyện hoặc huấn luyện không đủ thời gian, nội dung huấn luyện không đảm bảo theo quy định.


4.1 Phương pháp kiểm tra phát hiện và biện pháp khắc phục:

  • Kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy, nội dung, chế độ thực tập phương án chữa cháy và hướng dẫn cơ sở thực hiện theo quy định tại:  khoản 20, Điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC; Điều 21 Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính Phủ; điều 12 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an.
  • Kiểm tra việc thành lập, quản lý, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và việc thực hiện nhiệm vụ của đội phòng cháy chữa cháy cơ sở và hướng dẫn cơ sở thực hiện theo quy định tại:  khoản 25, 26 Điều 1 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC; Điều 45 Luật PCCC; Điều 32, 34 Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính Phủ; khoản 2 điều 15, Điều 16 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an.


5. Hệ thống điện, chống sét.



Không tách riêng các hệ thống điện phục vụ sinh hoạt, bảo vệ và PCCC; trang thiết bị hệ thống điện không an toàn, đặt đường dây điện, thiết bị tiêu thụ điện gần các vật dụng dễ cháy hay đặt cầu dao, ổ cắm điện ở những khu vực không được phép; không có biện pháp an toàn PCCC trong quản lý, sử dụng máy phát điện, trạm biến áp. Sử dụng thiết bị điện tại những khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao (phòng máy phát điện, trạm biến áp, trạm gas) không đảm bảo an toàn, thiết bị tiêu thụ điện tại những khu vực này không phải là loại phòng nổ...

5.1 Phương pháp kiểm tra phát hiện



  • Kiểm tra an toàn PCCC đối với các hệ thống điện bảo vệ, điện sinh hoạt kinh doanh, điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy và các thiết bị bảo vệ (cầu dao, áp tô mát).
  • Kiểm tra các thiết bị bảo vệ tự động tại đầu vào của các mạng điện, kiểm tra các mạch điện dự phòng, chiếu sáng sinh hoạt và sự cố.
  • Kiểm tra nguồn điện chính và nguồn dự phòng cho bơm chữa cháy, cách đấu mắc đảm bảo cho bơm hoạt động khi cắt điện tại cầu dao tổng.
  • Kiểm tra hệ thống chiếu sáng sự cố, điện cấp cho hệ thống chỉ dẫn thoát nạn trên lối thoát nạn đảm bảo tự hoạt động khi cắt nguồn điện chính.
  • Kiểm tra yêu cầu kỹ thuật của hệ thống chống sét đánh thẳng và chống cảm ứng tĩnh điện.
  • Kiểm tra việc thực hiện độ kiểm tra định kỳ các thiết bị sử dụng điện, hệ thống chống sét của cơ sở. Kiểm tra việc chấp hành các nội quy, quy định của cán bộ, nhân viên ... về sử dụng điện mà cơ sở đã ban hành. Kiểm tra sự  phù hợp của các thiết bị điện với cấp nguy hiểm về cháy, nổ của cơ sở, của từng bộ phận trong cơ sở.


5.2 Biện pháp khắc phục

  • Các giải pháp tách riêng biệt các hệ thống điện sinh hoạt, hệ thống điện bảo vệ, hệ thống điện chiếu sáng sự cố và hệ thống cấp điện cho hệ thống PCCC. Các thiết bị bảo vệ và điều khiển hệ thống điện (cầu dao, câu chì, áp tô mát, công tắc…), hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện phải đảm chất lượng và thông số phù hợp với dòng điện tiêu thụ, không để xảy ra chạm chập, quá tải gây ra cháy.
  • Hệ thống chống sét, nối đất của các nhà cao tầng phải được kiểm tra, đo định kỳ theo đúng quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện.

6. Công tác thẩm duyệt về PCCC



Chưa thực hiện nghiêm quy định về thẩm duyệt và tổ chức nghiệm thu về PCCC, lỗi vi phạm điển hình là không thông báo kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH trực tiếp quản lý khi có thay đổi về tính chất hoạt động làm tăng mức độ nguy hiểm về PCCC; đưa công trình vào hoạt động mà chưa được nghiệm thu về PCCC hay chuyển đổi công năng sử dụng của công trình nhưng không thực hiện thẩm duyệt về PCCC, dẫn đến các công trình này không đảm bảo được các điều kiện cơ bản về PCCC như giao thông, nguồn nước chữa cháy, thoát nạn, ngăn cháy, trang bị các hệ thống, phương tiện PCCC...

6.1 Phương pháp kiểm tra phát hiện

  •  Rà soát cơ sở có thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC theo quy định tại phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014: Danh mục dự án, công trình do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về PCCC, để tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định thẩm duyệt về PCCC đối với các cơ sở này.
  • Kiểm tra công năng sử dụng các hạng mục công trình để đối chiếu với thiết kế ban đầu đã được các cơ quan chức năng phê duyệt, việc thay đổi công năng, mục đích sử dụng.Việc kiểm tra phải căn cứ vào hồ sơ thiết kế ban đầu để so sánh với điều kiện, các hạng mục thực tế của cơ sở.

6.2 Biện pháp khắc phục

  • Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn dự án, giám sát thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, cơ quan phê duyệt dự án, cơ quan cấp giấy phép xây dựng khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo các nhà cao tầng phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu đối với công tác thẩm duyệt quy định tại:  Điều 15 Luật PCCC; Điều 15 Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính Phủ; khoản 1, 4 điều 7, khoản 1, Điều 8 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an và các quy định về PCCC theo các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam hiện hành.

Share this:

Không có nhận xét nào